QUY ĐỊNH HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN NGÂN HÀNG
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010;
Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003;
Căn cứ Nghị định 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 08/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chế độ kế toán áp dụng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định hệ thống tài khoản kế toán, việc mở, sửa đổi tài khoản kế toán sử dụng trong hệ thống quản lý và hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế tài chính (phần mềm ERP) tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước và viết tắt tà NHNN).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với: Sở Giao dịch, Vụ Tài chính – Kế toán, Cục Công nghệ tin học, Cục Phát hành và kho quỹ, Cục Quản trị, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước có tổ chức bộ máy kế toán.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
- Sở Giao dịch, Vụ Tài chính – Kế toán, Cục Công nghệ tin học, Cục Phát hành và kho quỹ, Cục Quản trị, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước có tổ chức bộ máy kế toán, trừ các đơn vị áp dụng chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi là đơn vị NHNN) áp dụng đầy đủ các quy định tại Thông tư này.
- Các đơn vị áp dụng chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN sử dụng hệ thống tài khoản kế toán theo quy định tại Thông tư này để chuyển đổi báo cáo tài chính, phục vụ việc tổng hợp báo cáo tài chính của NHNN.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. Phần mềm ERP (Enterprise Resource Planning): Là hệ thống quản lý và hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế, tài chính của NHNN, bao gồm các phân hệ nghiệp vụ:
a) Phân hệ Quản lý Sổ cái (General Ledger), viết tắt là GL;
b) Phân hệ Quản lý Tài sản (Fixed Assets), viết tắt là FA;
c) Phân hệ Quản lý Phải thu, phải trả (Account Payable, Account Receivable), viết tắt là AP, AR;
d) Phân hệ Công cụ kế toán (Financial Accounting Hub), viết tắt là FAH;
đ) Phân hệ quản lý Ngân Sách (Budgeting), viết tắt là BG.
2. Phần mềm T24 (Temenos T24): Là hệ thống ngân hàng lõi (Core banking) của NHNN để quản lý và theo dõi các nghiệp vụ kinh tế, tài chính cơ bản của NHNN bao gồm các phân hệ nghiệp vụ sau:
a) Phân hệ Cho vay và Huy động vốn (Lending and Deposit), viết tắt là LD;
b) Phân hệ Mua bán ngoại tệ liên ngân hàng và quốc tế (Interbank and International Foreign Exchange), viết tắt là FX;
c) Phân hệ Quản lý các nghiệp vụ phái sinh (Derivatives), viết tắt là DX;
d) Phân hệ Chuyển tiền (Fund Transfer), viết tắt là FT;
đ) Phân hệ Mua bán chứng khoán (Securities), viết tắt là SC;
e) Phân hệ Quản lý khách hàng (Customer), viết tắt là CUS;
g) Phân hệ Thị trường tiền tệ (Money Market), viết tắt là MM;
h) Phân hệ Quản lý tài khoản khách hàng (Account), viết tắt là AC;
i) Phân hệ Quản lý hạn mức (Limit), viết tắt là LI;
k) Phân hệ Quản lý nợ quá hạn (Loans Past Dues), viết tắt là PD;
l) Phân hệ Quản lý quỹ giao dịch (Teller), viết tắt là TT;
m) Phân hệ Quản lý dự trữ bắt buộc (Cash Reserve Ratio), viết tắt là CRR.
3. Phần mềm CMO (Currency Management Optimization): Là hệ thống quản lý và phát hành kho quỹ tập trung của NHNN.
4. Phần mềm CSD (Central Securities Depository): Là hệ thống của NHNN để quản lý các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến lưu ký giấy tờ có giá.
5. Phần mềm AOM (Auction/ Open Market Operation): Là hệ thống quản lý các nghiệp vụ đấu thầu vàng, nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ phát hành tín phiếu NHNN, trái phiếu chính phủ, trái phiếu đặc biệt.
6. Tài khoản kế toán: dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh của NHNN theo đối tượng và nội dung kinh tế cụ thể.
7. Hệ thống tài khoản kế toán: Là một tập hợp các tài khoản kế toán dược sử dụng để phân loại phản ánh tình hình hiện có và sự biến động của toàn bộ tài sản, nguồn hình thành tài sản của NHNN trong kỳ kế toán.
8. Tài khoản tổng hợp: Là tài khoản kế toán phản ánh tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản, tình hình và kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của NHNN, tài khoản này được mở và sử dụng tại phân hệ GL của phần mềm ERP để thu thập, xử lý, ghi chép và cung cấp thông tin tổng quát về hoạt động kinh tế, tài chính của NHNN.
9. Tài khoản chi tiết: Là tài khoản kế toán dùng để theo dõi, phản ánh thông tin chi tiết theo yêu cầu quản lý, tài khoản này được mở và sử dụng tại phân hệ GL của phần mềm ERP.
10. Tài khoản hoạt động: Là tài khoản kế toán dùng để theo dõi, phản ánh và cung cấp thông tin chi tiết theo từng đối tượng kế toán cụ thể như: loại tiền tệ, đối tượng, loại nghiệp vụ,… và theo yêu cầu quản lý, tài khoản này được mở và sử dụng tại các phần mềm ứng dụng (T24, CMO, CSD, AOM…) và các phân hệ nghiệp vụ khác thuộc phần mềm ERP.
11. Tài khoản hệ thống: Là các tài khoản phát sinh do yêu cầu của hệ thống để liên kết các bút toán của một nghiệp vụ phát sinh nhưng được thực hiện trên nhiều phân hệ/ phần mềm khác nhau. Các tài khoản này không nhằm mục đích phản ánh nghiệp vụ kinh tế và được quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư này.
12. Mở tài khoản kế toán: Là việc tạo lập tài khoản mới để ghi nhận, phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
13. Sửa đổi tài khoản kế toán: Là việc chỉnh sửa tên gọi, số hiệu, nội dung hạch toán kế toán của tài khoản kế toán.
14. Đóng tài khoản kế toán: Là việc tất toán số dư và ngừng việc sử dụng tài khoản kế toán để ghi nhận, phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
15. Tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là TCTD): bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định theo Luật các tổ chức tín dụng.
Điều 5. Cấu trúc tài khoản kế toán
Tài khoản kế toán được bố trí theo hệ thống số thập phân nhiều cấp, có cấu trúc như sau:
A.B.C.D.E.F
Nhóm A: là mã đơn vị gồm 5 chữ số A1 A2 A3 A4 A5, thể hiện các đơn vị NHNN có báo cáo kế toán riêng. Mã đơn vị dùng để phân biệt bút toán thuộc đơn vị nào, hỗ trợ chức năng cộng ngang từ cấp chi nhánh để tổng hợp số liệu báo cáo kế toán của toàn NHNN. Trong đó:
a) A1 A2 A3 là số thứ tự đơn vị (từ 001 đến 999);
b) A4 A5 là số thứ tự của Ban quản lý công trình trực thuộc đơn vị NHNN (từ 01 đến 99).
Nhóm B: là mã phòng ban/ bộ phận gồm có 2 chữ số B1 B2 (từ 01 đến 99) dùng để nhóm các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh theo từng phòng ban/ bộ phận của từng đơn vị.
Nhóm C: là mã tài khoản tổng hợp gồm có 8 chữ số C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7 C8 dùng để làm cơ sở hạch toán tổng hợp và lập bảng cân đối tài khoản kế toán thống nhất trong tất cả các đơn vị NHNN. Tài khoản tổng hợp của NHNN được bố trí như sau:
a) Loại tài khoản: gồm 1 chữ số C1 (từ 0 đến 9);
b) Tài khoản tổng hợp cấp I: gồm 3 chữ số C1 C2 C3 trong đó C1 là loại tài khoản, C2 C3 là số thứ tự của tài khoản cấp I trong loại (từ 01 đến 99);
c) Tài khoản tổng hợp cấp II: gồm 6 chữ số C1 C2 C3 C4 C5 C6 trong đó C1 C2 C3 là tài khoản cấp I, C4 C5 C6 là số thứ tự của tài khoản cấp II trong tài khoản cấp I (từ 001 đến 999);
d) Tài khoản tổng hợp cấp III: gồm 8 chữ số C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7 C8 trong đó C1 C2 C3 C4 C5 C6 là tài khoản cấp II, C7 C8 là số thứ tự của tài khoản cấp III trong tài khoản cấp II (từ 01 đến 99).
Nhóm D: là mã tài khoản chi tiết dùng để theo dõi, phản ánh thông tin chi tiết của tài khoản tổng hợp. Mã tài khoản này gồm có 3 chữ số D1 D2 D3 (từ 001 đến 999) phản ánh số thứ tự tài khoản chi tiết trong tài khoản tổng hợp.
Việc mở và sử dụng tài khoản chi tiết thực hiện theo yêu cầu quản lý của NHNN.
Nhóm E: là mã liên chi nhánh gồm 5 chữ số E1 E2 E3 E4 E5 (sử dụng bộ giá trị như nhóm A) dùng để theo dõi các luồng thanh toán giữa các đơn vị NHNN.
Nhóm F: là mã tài khoản hoạt động, dùng để theo dõi, phản ánh thông tin chi tiết theo từng đối tượng kế toán cụ thể như: loại tiền tệ, đối tượng, khách hàng, loại nghiệp vụ,… Độ dài và kết cấu của tài khoản hoạt động được xác định tùy theo các phân hệ nghiệp vụ, phần mềm ứng dụng.
Điều 6. Quản lý tài khoản kế toán
Nguyên tắc mở, sửa đổi tài khoản kế toán
a) Các tài khoản kế toán sau khi mở, sửa đổi phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Điều 5 Thông tư này;
b) Việc mở, sửa đổi, đóng tài khoản tổng hợp được thực hiện vào cuối ngày, sau khi đã cập nhật và lưu trữ ngày, in sổ kế toán chi tiết, Bảng cân đối kế toán ngày, tháng theo số hiệu và tên tài khoản cũ;
c) Việc chuyển đổi số dư từ tài khoản cũ sang tài khoản mới phải đảm bảo các yêu cầu sau:
(i) Phản ánh đúng nội dung và tính chất tài khoản;
(ii) Số dư đầu kỳ kế toán, số phát sinh từ đầu kỳ kế toán đến ngày chuyển đổi, số dư cuối ngày chuyển đổi của các tài khoản cũ không thay đổi khi chuyển sang tài khoản mới;
(iii) Sau ngày chuyển đổi, tài khoản được ghi, in trên chứng từ, sổ kế toán, báo cáo kế toán được thể hiện theo số hiệu tài khoản mới;
(iv) Tại ngày chuyển đổi, phải lập, in và lưu trữ hai bảng cân đối tài khoản kế toán: Bảng cân đối tài khoản kế toán theo số hiệu tài khoản cũ và Bảng cân đối tài khoản kế toán theo số hiệu tài khoản mới;
d) Trách nhiệm quản lý hệ thống tài khoản kế toán:
(i) Việc quản lý mã tài khoản nhóm A, nhóm B, nhóm E, nhóm F do Cục Công nghệ tin học thực hiện;
(ii) Việc quản lý mã tài khoản nhóm C, nhóm D do Vụ Tài chính – Kế toán thực hiện.
Mở, sửa đổi tài khoản tổng hợp
Khi phát sinh nghiệp vụ kinh tế mới hoặc yêu cầu mới về quản lý, theo dõi đối tượng kế toán mà các phân hệ nghiệp vụ và các chương trình ứng dụng không có khả năng quản lý, theo dõi được, việc mở, sửa đổi tài khoản tổng hợp được thực hiện theo quy trình sau:
a) Mở tài khoản tổng hợp
Sau khi có xác lập yêu cầu mở tài khoản tổng hợp tại Thông tư sửa đổi, bổ sung hệ thống tài khoản NHNN, Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Cục Công nghệ tin học thực hiện tạo mới tài khoản (nhập giá trị tài khoản mới vào hệ thống gồm mã tài khoản, tên tài khoản, tính chất tài khoản) và thực hiện cập nhật tài khoản mới vào quy tắc hạch toán trên phân hệ FAH, cập nhật tài khoản mới vào bảng khai chỉ tiêu báo cáo tài chính.
b) Sửa đổi tài khoản tổng hợp
(i) Trường hợp sửa đổi tên, nội dung tài khoản mà không sửa đổi số hiệu tài khoản: Sau khi có xác lập yêu cầu sửa đổi tài khoản tổng hợp tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Hệ thống tài khoản NHNN, Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Cục Công nghệ tin học thực hiện sửa đổi tên tài khoản và thực hiện cập nhật quy tắc hạch toán trên phân hệ FAH, cập nhật vào bảng khai chỉ tiêu báo cáo tài chính trên;
(ii) Trường hợp sửa đổi số hiệu tài khoản phải thực hiện mở mã tài khoản mới và đóng tài khoản cũ: Sau khi có xác lập yêu cầu sửa đổi tài khoản tổng hợp tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Hệ thống tài khoản NHNN, Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Cục Công nghệ tin học kiểm tra số dư tài khoản cũ, mở tài khoản mới, chuyển đổi số dư trên tài khoản cũ sang tài khoản mới, đóng tài khoản cũ và cập nhật quy tắc hạch toán trên phân hệ FAH và cập nhật vào bảng khai chỉ tiêu báo cáo tài chính.
Mở, sửa đổi tài khoản chi tiết
Tài khoản chi tiết được mở theo đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế và đối tượng kế toán của tài khoản tổng hợp, đảm bảo tuân thủ quy định này và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ khác của NHNN. Khi phát sinh nghiệp vụ kinh tế mới hoặc yêu cầu mới về quản lý, theo dõi đối tượng kế toán mà các phân hệ nghiệp vụ và các chương trình ứng dụng không có khả năng quản lý, theo dõi được, các đơn vị NHNN gửi văn bản đề xuất việc mở, sửa đổi tài khoản chi tiết về Vụ Tài chính – Kế toán để xem xét phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, việc mở, sửa đổi tài khoản chi tiết được thực hiện theo quy trình sau:
a) Mở tài khoản chi tiết
Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Cục Công nghệ tin học thực hiện tạo mới tài khoản (nhập giá trị tài khoản mới vào hệ thống gồm mã tài khoản, tên tài khoản, tính chất tài khoản) và thực hiện cập nhật tài khoản mới vào quy tắc hạch toán trên phân hệ FAH, cập nhật tài khoản mới vào bảng khai chỉ tiêu báo cáo tài chính;
b) Sửa đổi tài khoản chi tiết
(i) Trường hợp sửa đổi tên, nội dung tài khoản mà không sửa đổi số hiệu tài khoản: Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Cục Công nghệ tin học thực hiện sửa đổi tên tài khoản và thực hiện cập nhật quy tắc hạch toán trên phân hệ FAH, cập nhật vào bảng khai chỉ tiêu báo cáo tài chính;
(ii) Trường hợp sửa đổi số hiệu tài khoản phải thực hiện mở mã tài khoản mới và đóng tài khoản cũ: Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Cục Công nghệ tin học kiểm tra số dư tài khoản cũ, mở tài khoản mới, chuyển đổi số dư trên tài khoản cũ sang tài khoản mới, đóng tài khoản cũ và cập nhật quy tắc hạch toán trên phân hệ FAH và cập nhật vào bảng khai chỉ tiêu báo cáo tài chính.
Mở, sửa đổi tài khoản hoạt động
a) Việc mở và sửa đổi tài khoản hoạt động phải đảm bảo phù hợp với nội dung kinh tế, đối tượng của tài khoản tổng hợp, tài khoản chi tiết và khả năng xử lý thực tế của hệ thống;
b) Khi phát sinh nghiệp vụ kinh tế mới theo quy định của NHNN, các đơn vị có liên quan thiết lập yêu cầu quản lý cần theo dõi trên tài khoản hoạt động. Căn cứ vào yêu cầu quản lý của các đơn vị và quy định về theo dõi đối tượng kế toán, Cục Công nghệ tin học phối hợp với Vụ Tài chính – Kế toán và các đơn vị liên quan để thống nhất xây dựng, cài đặt các tham số về tài khoản hoạt động tại phân hệ, phần mềm ứng dụng phù hợp;
c) Việc mở, sửa đổi tài khoản hoạt động trên Hệ thống phần mềm ứng dụng phải thực hiện theo các quy định, quy trình của các phân hệ, phần mềm ứng dụng cụ thể của NHNN.
Chương 2
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Kết cấu hệ thống tài khoản tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước
Hệ thống tài khoản kế toán của NHNN gồm 8 loại tài khoản trong Bảng cân đối kế toán (tài khoản trong bảng) và 2 loại tài khoản ngoài Bảng cân đối kế toán (tài khoản ngoài bảng). Cụ thể:
- Các tài khoản trong bảng gồm:
a) Loại 1: Tiền và tài sản thanh khoản;
b) Loại 2: Cho vay, mua bán giấy tờ có giá, thanh toán với Nhà nước và Ngân sách Nhà nước;
c) Loại 3: Tài sản cố định và tài sản Có khác;
d) Loại 4: Phát hành tiền và nợ phải trả;
đ) Loại 5: Vốn, quỹ và kết quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước;
e) Loại 6: Tài khoản trung gian;
g) Loại 7: Thu nhập;
h) Loại 8: Chi phí.
Các tài khoản ngoài bảng gồm:
a) Loại 9: Các cam kết ngoài bảng;
b) Loại 0: Tài khoản ghi nhớ ngoài bảng.
Điều 8. Phương pháp hạch toán trên các tài khoản tổng hợp
- Việc hạch toán trên các tài khoản được tiến hành theo phương pháp ghi sổ kép (Nợ – Có). Các tài khoản trong bảng chia làm ba loại:
Loại tài khoản thuộc tài sản Có : luôn luôn có số dư Nợ.
Loại tài khoản thuộc tài sản Nợ : luôn luôn có số dư Có.
Loại tài khoản thuộc tài sản Nợ – Có : lúc có số dư Có, lúc có số dư Nợ hoặc có cả hai số dư.
Khi lập bảng cân đối tài khoản kế toán ngày, tháng, quý và năm, các đơn vị NHNN chỉ lập đến tài khoản cấp III và phải phản ánh đầy đủ và đúng tính chất số dư của các loại tài khoản nói trên (đối với tài khoản thuộc tài sản Có và tài khoản thuộc tài sản Nợ) và không được bù trừ giữa hai số dư Nợ – Có (đối với tài khoản thuộc tài sản Nợ – Có).
- Các cách thức hạch toán:
a) Hạch toán tự động từ các chương trình ứng dụng: Việc hạch toán được hệ thống tự động thực hiện thông qua cài đặt các tham số tại các chương trình, phân hệ nghiệp vụ (ví dụ như các giao dịch hạch toán dự thu lãi cho vay khách hàng, dự trả lãi tiền gửi khách hàng…). Theo đó, các giao dịch tự động từ các chương trình sẽ được cập nhật vào các tài khoản tổng hợp thích hợp được khai báo trong tham số hạch toán tương ứng;
b) Hạch toán thủ công từ các phân hệ: Người dùng nhập trực tiếp hoặc sử dụng các bảng khai trên các chương trình, phân hệ nghiệp vụ làm phát sinh các bút toán hạch toán vào tài khoản tổng hợp.
Điều 9. Hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước
Việc hạch toán trên các tài khoản ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước quy định trong Hệ thống tài khoản kế toán này phải thực hiện theo các quy định sau:
- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước được hạch toán tương tự như ngoại tệ (vàng được coi là một loại ngoại tệ), đơn vị đo lường là gram.
- Các giao dịch phát sinh theo loại tiền tệ nào được hạch toán theo loại tiền tệ đó.
- Các bút toán hạch toán ngoại tệ phải được hạch toán trên cặp tài khoản đối ứng và đảm bảo cân đối theo từng loại ngoại tệ.
- Đối với các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ, hạch toán đồng thời các bút toán đối ứng bằng ngoại tệ và bút toán đối ứng bằng đồng Việt Nam.
- Đối với các khoản thu, trả lãi, phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam để hạch toán vào thu nhập, chi phí.
- Tỷ giá hạch toán
a) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ;
b) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ khác như thu, trả lãi, phí bằng ngoại tệ, điều chuyển và hoán đổi giữa Quỹ Dự trữ ngoại hối và Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng:
(i) Đối với đồng đô la Mỹ: Tỷ giá bằng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do NHNN công bố tại ngày hạch toán;
(ii) Đối với loại ngoại tệ khác đồng đô la Mỹ: Tỷ giá được quy đổi thông qua tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do NHNN công bố và tỷ giá giữa các loại ngoại tệ niêm yết trên màn hình Reuters hoặc Bloomberg hoặc các phương tiện khác trước 10 giờ sáng ngày hạch toán.
c) Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ ngoại tệ theo Luật Ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
- Định kỳ (ngày, tháng, quý, năm) khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán quy đổi theo từng loại ngoại tệ và Bảng cân đối tài khoản kế toán cộng quy đổi, hệ thống tự động quy đổi số dư, doanh số hoạt động trong kỳ báo cáo của các tài khoản ngoại tệ ra đồng Việt Nam. Tỷ giá quy đổi cụ thể như sau:
a) Đối với đồng đô la Mỹ: Tỷ giá bằng tỷ giá quy định tại điểm b(i) khoản 6 Điều này tại ngày lập Bảng cân đối tài khoản kế toán;
b) Đối với loại ngoại tệ khác đồng đô la Mỹ: Tỷ giá bằng tỷ giá quy định tại điểm b(ii) khoản 6 Điều này tại ngày lập Bảng cân đối tài khoản kế toán;
c) Đối với các khoản mục phi tiền tệ; khoản mục ngoại tệ theo Luật Ngân sách Nhà nước: tỷ giá bằng tỷ giá hạch toán tại ngày giao dịch (các tài khoản này không được đánh giá lại);
d) Số chênh lệch do quy đổi số dư cuối ngày, tháng (quy ra đồng Việt Nam) của các tài khoản có gốc ngoại tệ được hạch toán chuyển vào Tài khoản 503001 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Kết quả mua bán ngoại tệ được tính bằng chênh lệch giữa doanh số bán ngoại tệ với doanh số mua vào tương ứng hạch toán vào tài khoản thu nhập hoặc chi phí theo quy định.
Cuối năm tài chính, số chênh lệch do đánh giá lại ngoại tệ (nếu có) hạch toán vào tài khoản 501003- Vốn do đánh giá lại tài sản (tài khoản cấp III thích hợp).
Để phân biệt đồng Việt Nam, các loại ngoại tệ, vàng NHNN sử dụng thống nhất Bảng mã tiền tệ theo quy định tại Phụ lục số 02 của Thông tư này.
Xem bản đầy đủ tại đây
___________________________________
Kế Toán Á Châu – Cam kết mang đến dịch vụ uy tín và chuyên nghiệp, đồng hành thân thiết cùng doanh nghiệp của bạn
Thông tin liên hệ
Công Ty TNHH Dịch Vụ Tài Chính – Kế Toán Á Châu
Địa chỉ: Lầu 1, 168 Võ Thị Sáu, Phường 8, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
Website: https://dichvuketoanachau.com/
Hotline: 0776 112 333
Email: info@dichvuketoanachau.com
Thông tin về các dịch vụ khác của chúng tôi: